Vị trí Truyện Kiều trong văn-học Việt-Nam

Tin đăng trong 'Tản mạn' bởi admin, Cập nhật cuối: 04/09/2018.

  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Tham gia :
    16/04/2018
    Bài viết:
    14.160
    Lượt thích:
    147
    Điểm thành tích:
    124.698
    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG][​IMG]


    Vị trí Truyện Kiều trong văn-học Việt-Nam
    Tác giả bài báo: Dương Thượng Ngã
    ————————————————————

    1/ Phong trào sùng bái Truyện Kiều

    Phạm Quỳnh, một người có công lớn với quốc văn, quan niệm rằng: "Truyện Kiều còn, nước ta còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn". Từ cách nhìn đó, ông đã chủ xướng phong trào suy tôn Truyện Kiều năm 1919, với sự tham gia của cả hai tạp chí lớn đương thời là Nam Phong và Đông Dương. Đáng kể hơn hết, là bài viết dài 20 trang đăng trên Nam Phong số 30 tháng 12 năm 1919, học giả họ Phạm đã dốc tâm nghiên cứu và hết lời ca tụng tác phẩm này.

    Theo Phạm Quỳnh, Truyện Kiều là cuốn sách cao thượng nhất, cảm được cả giới trí thức lẫn bình dân. Truyện Kiều là cuốn sách được tôn sùng hơn hết, vì tính phổ cập và cộng hưởng của tác phẩm, vì sự chia sẻ tâm tình giữa các nhân vật trong truyện và người xem (hoặc nghe) truyện. Phạm Thượng Chi cho rằng tác giả Truyện Kiều phải được cả nước tôn thờ mới xứng đáng; văn chương Truyện Kiều kiệt tác, tài tình, "lời văn điêu luyện, ý tứ thâm trầm"; nhân vật trong truyện sống động như thực.

    Những điều Thượng Chi cực tán Truyện Kiều và Nguyễn Du, quả tình không đáng lấy làm lạ. Có lẽ Thượng Chi có tấm lòng đa cảm, dễ xúc động mãnh liệt hơn người đời, và tâm hồn ông đã hoà nhập vào Kiều, vượt ra khỏi những nguyên tắc phê bình chủ lý, nghiêng về khoa tu từ học (rhetoric) cổ điển Tây phương.

    Tuy nhiên, sự cảm nhận của Phạm Quỳnh đối với Truyện Kiều cũng rất gần gũi với sự cảm nhận của nhiều người, nhiều giới trong xã-hội Việt-Nam với áng văn bất hủ ấy của Tố Như.

    Về sau Vũ Đình Long, ngoài việc đề cao giá trị của Truyện Kiều, còn nêu cao giá trị luân lý, đạo đức của tác phẩm. Lời bình của ông Vũ đã trực tiếp chống lại quan niệm xếp Truyện Kiều vào loại "dâm thư" ngang với Phan Trần.

    Nhất Linh, trong bài "Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều" cũng tỏ ra sùng mộ Truyện Kiều: "Nói đến cái hay của Kiều thì chưa biết đến thế nào mà kể được. Ta chỉ nên nhận rằng, văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương quốc ngữ, và người nào làm văn cũng nên theo cách làm văn chương Truyện Kiều, vì những câu thơ trong truyện đó đã tới cực điểm."

    Phong trào sùng bái Truyện Kiều và Nguyễn Du lên cao nhất vào năm 1924, khi Hội Khai Trí Tiến Đức long trọng tổ chức Ngày Nguyễn Du và Truyện Kiều, có Phạm Quỳnh thay mặt ban Văn học, nói về ý nghĩa lễ kỷ niệm và diễn thuyết bằng tiếng Pháp cho Tây nghe. Học giả Trần Trọng Kim nói về tiểu sử Nguyễn Du và văn chương Truyện Kiều. Sau đó các đào kép thay nhau kể Kiều và hát bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn.

    Những người làm văn học sử và chấn hưng chữ quốc ngữ thời đó tha thiết với Truyện Kiều như vậy; các giai cấp xã-hội Việt-Nam yêu chuộng, thông thuộc Truyện Kiều như vậy, hẳn phải có lý do đặc-biệt, chứ không phải chỉ vì "Kiều là áng văn tuyện tác" hay "Kiều là một tác phẩm đề cao đạo đức". Nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du, mồng 10 tháng 8 âm lịch, tạp chí Làng Văn (Canada, số 25 - 1986) đã tập trung giới thiệu nhiều cái nhìn khác nhau của các vị tác giả ở những thế hệ khác nhau, với kỳ vọng rằng qua đó, độc giả sẽ khám phá ra một vài điểm tổng quan về vấn-đề, qua con mắt của người thời nay.

    Công việc này, còn có ý nghĩa như lần giở lại từng trang sách cũ, tìm hiểu và phân định lại vấn-đề, âu cũng là dịp để ngắm nghía lại từng vật báu trong kho tàng văn chương đất mẹ, mà Truyện Kiều vẫn được xem là một trong những tác phẩm thành công nhất. Sau đây là bài gợi ý.

    2/ Phong trào công kích Truyện Kiều, 1925

    Một tác phẩm được ném ra ngoài xã-hội, dù thành công đến đâu chăng nữa, bên cạnh sự tiếp nhận nồng nàn, bao giờ cũng có những lời phẩm bình nghiêm khắc. Trong số các tác phẩm cổ văn, có lẽ Truyện Kiều đã chịu những lời mỉa mai, công kích nhiều nhất, không kém gì những sự ái mộ, sùng thượng.

    Trên tờ Hữu Thanh số 21, ra ngày 1.9.1924, Ngô Đức Kế bắn phát đại bác đầu tiên công kích Truyện Kiều, qua bài "Luận về chánh học cùng tà thuyết, Quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du". Qua bài này, Ngô Đức Kế cho rằng đạo đức và tà thuyết có một mối liên hệ chặt chẽ với vận mệnh dân tộc, và phong trào sùng bái Truyện Kiều là sự xuất hiện của tà thuyết, báo hiệu vận nước đã suy. Theo ông, dân tình nước ta bấy giờ đang sa vào vòng tà thuyết, vì di sản đạo đức tốt đẹp đã mất, chưa có cái mới thay vào, ngược lại, lại có "bọn đạo đức giả" (chỉ cánh Phạm Quỳnh) tuyên truyền cho tà thuyết.

    Trong phần phê bình, Ngô Đức Kế chê Truyện Kiều không có giá trị, vì "tên sách vớ vẩn". Ông lý luận: "Chỉ nhắc đến tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được. Vì sao thế? - Phàm bộ truyện nào, dầu có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân; sự tích, là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay sự tích ấy là cô Vương Thuý Kiều, mà tên sách đặt ba người (Kim Vân Kiều): một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người lấy chữ tên thì mất họ, thì thật là dốt vô cùng."

    Về nội dung, Ngô Đức Kế chê sự tích tầm thường, vô giá trị: "Xem trong bộ Tình Sử của Tàu biết bao nhiêu sự ly kỳ hơn." Về mặt đạo đức, ông chê Truyện Kiều là sách tà dâm: "Một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hoá đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như thế, dù phía sau có tỏ vẻ hiếu nghĩa gì đi nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời."

    Ngô Đức Kế viện dẫn lý do người xưa đã lên án Truyện Kiều (Đàn ông chớ kể Phan Trần; đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều – ca dao) và tố cáo Phạm Quỳnh là văn sĩ giả dối đã biểu dương bộ "dâm thư" làm sách giáo khoa quốc văn, sư phạm giảng nghĩa. Ông cho rằng học Kiều là thoái hoá, sa vào cái lầm lỗi cũ, suy tôn một cuốn tiểu thuyết làm chính kinh, chính sử là điều sỉ nhục. Truyện Kiều không thể là "quốc hồn quốc tuý". Về điểm này, Ngô Đức Kế cho rằng: "Nguyễn Du dịch Kiều từ thời Gia Long; thế thì từ Gia Long về trước, khi chưa có Truyện Kiều thì nước ta không quốc hoa, không quốc tuý, không quốc hồn; thế thì cái văn tự vũ công sáng chói từ trào Đinh, Lê, Lý, Trần ở đâu đem đến?"

    Soát lại bài đả kích của Ngô Đức Kế, nhìn chung có tính cách chủ quan, duy ngã, giáo điều. Ông đứng trên lập trường văn chương phải có sứ mạng tuyên truyền cho luân lý và đạo đức. Nhưng cũng chính ở lập trường văn dĩ tải đạo này, hai họ Ngô và Phạm đã gặp nhau! Chỉ khác ở chỗ Phạm Quỳnh bào chữa cho luân lý Truyện Kiều, còn Ngô Đức Kế đả phá tất cả. Họ Ngô đã sử dụng lối phê bình quan điểm, dùng nhãn quan một nhà đạo đức để thẩm định giá trị mọi sự vật, kể cả văn chương. Trong khi đó, họ Phạm đem cái lòng rung cảm của một nghệ sĩ ra để tiếp nhận và biện minh cho một tác phẩm. Giữa hai người, tiêu biểu cho hai phái, đã có một bức tường ngăn cách, và cuộc bút chiến của họ là hai cuộc độc thoại đồng thời, không tiếp nhận ý kiến đối phương để nhìn lại vấn đề.

    Sau Ngô Đức Kế, tới phiên Phan Khôi công kích Phạm Quỳnh là "học phiệt", vì ông Phạm đã khinh mạn, không trả lời bài viết của Ngô Đức Kế. Tới lúc đó Phạm Quỳnh mới trả đũa. Huỳnh Thúc Kháng sau đó phản đối Phạm Quỳnh trên tờ Tiếng Dân, hô hào tẩy chay Truyện Kiều.

    Vụ tranh chấp về giá trị Truyện Kiều hồi thập niên 20 cho thấy văn học Việt-Nam thời đó đã chia ra hai khuynh hướng rõ rệt: Phe bảo thủ, với Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, vẫn lẩn quẩn trong quan niệm văn chương luân lý, văn chương đạo đức, không chấp nhận sự phân biệt giữa luân lý thuần tuý và văn chương thuần tuý. Ngược lại, phái tân học có Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Trần Trọng Kim, chưa dám mạnh mẽ chủ trương hình thức nghệ thuật phi luân lý, không dám nhìn các sự kiện văn chương theo một quan niệm mới, mà tìm cách biện minh giá trị đạo-đức của nó trên căn bản luân lý cổ truyền, và từ đó dễ đi đến chỗ đề cao quá đáng. Nhưng dù sao đi nữa, cũng nhờ đó mà Truyện Kiều đã được lôi vào đúng tầm nhìn của quần chúng và văn giới, trở thành tác phẩm phổ cập nhất của thế-kỷ 20, vượt xa các kiệt tác Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm,..

    3/ Giá trị triết học của Truyện Kiều

    Căn bản triết lý của Truyện Kiều là triết lý của Phật giáo bắc tông, chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng Nho giáo. Thuyết "tài mệnh tương đố" được nêu ra ngay ở đầu truyện, được dẫn chứng trong 3240 câu thơ, và được nhắc lại trong phần kết. Cuộc đời Vương Thuý Kiều minh chứng cho tư tưởng yếm thế ấy, qua thuyết luân hồi nghiệp báo của Phật giáo. Nỗi đoạn trường của tiểu thư tài sắc như Kiều, là để rửa sạch nợ nần từ kiếp trước. Tuy nhiên Nguyễn Du đã đi xa hơn Phật thuyết "bất sinh bất diệt" để "thoát khổ", mà tiến sang lãnh vực "chí thiện" của Nho giáo: muốn vượt khổ, giải nạn, còn phải giữ lòng thiện, hành thiện (Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài).

    Cái cây tư tưởng Phật giáo trong Truyện Kiều đã trổ một đoá hoa Nho học! Từ căn bản triết thuyết tiêu cực, Nguyễn Du đã dẫn tới quan-niệm sống tích cực, đầy xã-hội tính, là nét đặc thù trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt.

    3.1/ Giá trị luân lý

    Giá trị luân lý nổi bật trong Truyện Kiều là chữ hiếu -- trong trung, hiếu, tiết, nghĩa của đạo Nho. Vì hiếu, Kiều đã bán mình chuộc cha, chịu xa lìa người yêu, ngụp lặn trong bể khổ ê chề.
    Vì nhân, muốn tránh cho đồng loại cảnh chết chóc trong chiến tranh, Kiều đã khuyên Từ Hải ra hàng.
    Hậu đãi người ân, trừng phạt kẻ gian tà, Kiều đã làm tròn điều nghĩa.
    Suốt trong mười lăm năm luân lạc, Kiều vẫn một dạ thỉ chung với chàng Kim, giữ trọn đạo trung.

    Một con người như vậy, một tác-phẩm như vậy, đã bị một số người xem là "dâm thư", ắt phải có lý do nào khác, không phải chỉ do mỗi cái tội đang đêm chui rào qua đánh đàn cho người yêu nghe. Cái "tội" mà Truyện Kiều mang, là đã mô tả toàn bộ mọi góc cạnh của xã-hội phong kiến nát bét đương thời: vua vô đạo, chúa dâm loạn, quan lại tham ô, triều chính rối rắm, luân lý băng hoại, tư tưởng xã-hội sa đoạ. Bức tranh xã-hội ấy, được Nguyễn Du vẽ lại một cách trung thực và đầy đủ -- từ thành phần cặn bã cho tới thanh cao – kết thành một bản cáo trạng, mà mỗi nhân vật tiêu biểu cho là một giới. Xét cho kỹ, lời buộc tội gay gắt của người đời sau, nhắm vào đối tượng nào: bản cáo trạng và tác giả, hay cái xã-hội thối nát đã khiến tác giả phải lên tiếng?


    3.2/ Giá trị xã-hội

    Cái xã-hội Nguyễn Du sống và viết (1770-1800) là một xã-hội ngợp ngụa với những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Ưng, Khuyển, Sở Khanh,.. biểu hiện cho sự lo sợ, xao xuyến của tác giả trước cuộc đời.

    Quan nha thì ngoài đám hàng thần lơ láo, còn lại là những quan phủ, Lại già họ Chung, Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, nói lên sự bất lực của một ngòi bút công đạo trước thời thế, nhắc nhớ đến những Đặng Lân, Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm,.. đến bọn lính Tam Phủ, đến nhà độc tài mới Nguyễn Hữu Chỉnh, đến tướng sĩ của quân Vũ Thành,.. Hành vi tàn nhẫn, bạo ngược của các chức quyền trong xã-hội vẫn luôn nhân danh lẽ phải, lòng nhân và trật tự xã-hội, đã đẩy Nguyễn Du vào góc tường của sự bế tắc, phản kháng tiêu cực, tâm lý đầu hàng. Luân lý và đạo đức xã-hội chỉ còn là phản ứng câm lặng của kẻ sĩ mà thôi.

    Xã-hội của Vương Thuý Kiều còn là xã-hội của những người vô tâm, dửng dưng mà biểu tượng là Vương Quan và Thuý Vân, luôn luôn sống ung dung, thanh bình và vô can. Đó chính là con người câm nín của Nguyễn Du khi phải xuất hiện giao tiếp với xã-hội thời đó, như một hữu thức giả dối, để tự vệ trước sự điên đảo của thời thế, mong thoát vòng oan nghiệt để được ung dung trong cõi riêng mình. Sự xung đột giữa Nguyễn Du hữu thức và Nguyễn Du tiềm thức được thể hiện mạnh mẽ nhất qua con người Kim Trọng.

    Buổi đầu Kim Trọng là một chàng tuổi trẻ sống si mê, lãng mạn, đau khổ với cuộc tình (Khi tựa gối, khi cúi đầu; Khi vò chín khúc khi chau đôi mày - Vật mình vẫy gió tuôn mưa; Dầm dề giọt lệ thẫn thờ hồn mai; Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi; Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê). Đó phải chăng là con người của Nguyễn Du tiềm thức, giấu kín trong chiều sâu thăm thẳm? Kim Trọng đau vì tình, nhưng tác giả đau vì thời thế, bị bức ép nội tâm vì thời thế. Còn hai anh chàng Vương Quan và Kim Trọng vô tâm, lơ láo, cùng đỗ đạc, thong dong trên hoạn lộ, là một Nguyễn Du khác, Nguyễn Du chường mặt trong xã hội thường ngày, Nguyễn Du hữu thức, phải sống thanh thản, lướt trên mọi sóng gió cuộc đời như một chiếc thuyền nan, để khỏi bị nhận chìm?

    Sự dồn ép quá độ từ tiềm thức đã bật ra một nhân vật quá độ: Từ Hải, biểu hiện cho giấc mơ kiêu hùng của kẻ sĩ đương thời. Sự kiêu hùng ấy cũng chỉ bùng lên trong chốc lát, rồi ngã quị trong một cái chết cũng kiêu hùng!

    Tất cả những tiếng nói, những nhân vật trong truyện qua nét bút của Nguyễn Du đã hiện thực đầy đủ bức tranh xã-hội đương thời, bằng thực chứng cuộc đời ông: mồ côi mẹ (năm 10 tuổi), mồ côi cha (năm 13), tình đầu tan vỡ (yêu cô lái đò, bị ép buộc phải bỏ), bị tù (năm 30 tuổi, đời Quang Toản), làm quan (năm 37 tuổi, đời Gia Long), đi sứ sang Tàu (năm 48 và 49 tuổi) trong một xã-hội phân hoá của buổi giao thời, nhiều giá trị bị đảo lộn.

    3.3/ Giá trị tôn giáo

    Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bộc bạch mối lo âu, sợ hãi trước sự mầu nhiệm của cuộc đời, sự chiêm ngưỡng siêu hình về thân phận con người, vừa thể hiện những mong mỏi, ước nguyện của ông. Tâm thức hoài nghi, sợ sệt, cô đơn này đã được phát biểu qua mồm nhiều nhân vật, như mụ quản gia (Cũng là oan nghiệt chi đây, Sa cơ mới đến thế này không dưng); của vãi Giác Duyên (Ở đây cửa Phật cũng không hẹp gì, E chăng những sự bất kỳ, Để nàng cho đến thế thì cũng thương hay Người sao hiếu nghĩa đủ đường, Kiếp sao chịu những đoạn trường thế thôi); Tam Hợp đạo cô (…phúc hoạ đạo trời) và Đạm Tiên (Số còn nặng nghiệp má đào, Người dầu muốn chết, trời nào đã cho).

    Tiếng nói của mụ quản gia tố cáo sự bất ổn triền miên của xã-hội, sự an nguy của một cá nhân không có nghĩa gì nữa trước sức mạnh cuồng bạo của quan lại: "tai vách mạch dừng", "sấm sét bất kỳ", người dân chỉ là "con ong cái kiến". Vấn-đề thân phận chỉ được đặt ra như một câu hỏi lớn, của một bài toán không có đáp số: "cũng là oan nghiệt chi đây"!

    Tiếng nói của Giác Duyên, sư trưởng trú trì một ngôi chùa, cũng băn khoăn xao xuyến, sợ sệt trước bạo lực cuộc đời, nói giùm Nguyễn Du tiếng nói hồ nghi.

    Tiếng nói của Tam Hợp đạo cô thể hiện những nét suy tư hệ trọng của thân phận con người -- lấy Vương Thuý Kiều làm cá nhân tiêu biểu, qua nhãn thức tam giáo (nên gọi là "tam hợp" chăng?). Trong tam hợp Nguyễn Du, tất cả mọi niềm tin dị biệt đã được đúc kết lại: tin Phật, tin Khổng, tin Lão, tin vào giá trị dân gian cổ truyền. Ông nhắc đến "duyên nghiệp", "túc khiên", "nợ trước", "duyên sau", "kiếp sau", "đạo trời", "hiếu tâm", "hại một người, cứu muôn người",.. như những chiếc phao mong tự cứu trên bể khổ cuộc đời. Tất cả những từ ngữ bí hiểm bật ra trên môi đạo cô, giải thích trước những điều sẽ xảy ra, hay mang mển những niềm tin dân gian (Ma dẫn lối, quỉ đưa đường; Trước hàm rồng cá gieo mồi bưng tinh) cũng chỉ là tiếng nói hốt hoảng của con người trước những suy nghiệm về thân phận.

    Tiếng nói của Đạm Tiên biểu thị cho mồ mả, tha ma, cái chết, sự mờ mịt của kiếp sau: luôn luôn mơ về một cõi tiên.

    3.4/ Giá trị văn chương

    Kỹ thuật dụng ngữ của Nguyễn Du rất đặc-biệt: giản dị nhưng phong phú. Đó cũng chính là yếu tố để Truyện Kiều phổ cập trong dân gian. Ngôn ngữ dân gian đã được sử dụng một cách tài tình, nên toàn truyện đã được trả về cho dân gian một cách dễ dàng.

    Ngôn ngữ của Truyện Kiều mang tính hoa gấm tự nhiên, linh hoạt; từ những "vật sống" (Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) cho tới những "vật chết" (Sầu đong càng gạc càng đầy). Hình ảnh và màu sắc tràn ngập trong thơ (Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa hoặc Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa).

    Truyện Kiều rất giàu nhạc tính. Thể lục bát khi đằm đằm cân xứng, khi nhún nhảy, duyên dáng nhịp nhàng: Này chồng/này mẹ/này cha. Này là em ruột/này là em dâu hoặc Người quốc-sắc, kẻ thiên-tài. Tiết tấu của thơ như ý nhạc, lời thơ sống động: Bánh xe khấp khểnh, vó câu gập ghềnh.

    Nguyễn Du đưa những nét chấm phá sáng tạo vào thơ lục bát, vượt ra khỏi khuôn mẫu đều đều nhàm chán: chữ thứn 2Bình/4Trắc/6B; 2B/4T/6B/8B, đổi chỗ ngắt thành: 3/3 và âm thanh thành 2T/4T/6B (Nền phú-hậu/bậc tài-danh; Mai cốt cách, tuyết tinh thần; Người nách thước, kẻ tay đao). Chỗ ngắt có khi thành 3/3/2: Biết duyên mình/biết phận mình/thế thôi; 3/5: Nghĩ đòi cơn/lại sụt sùi đòi cơn hay 4/2/2: "Ngày hai mươi mốt/ tuất thì/phải chăng?

    Thỉnh thoảng, Nguyễn Du sử dụng tiếng kép ở chữ 6 và 7, khiến mạch thơ chậm lại, diễn tả trạng thái lửng lơ, tâm trạng phân vân: Một sân đất cỏ dầm mưa, Càng ngao-ngán nỗi, càng ngơ-ngẩn dường.

    Nhiều chỗ cố tình điệp tự (Nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình; Phận dầu, dầu vậy cũng dầu) để làm rõ một trạng thái, một thái độ trước hoàn cảnh.

    Khuyết điểm:
    Truyện Kiều có ưu có khuyết, ưu nhiều khuyết hiếm, nhưng vẫn có.

    Điệp âm vận: Công đeo đuổi chẳng thiệt-thòi lắm ru! Lặng nghe lời nói như ru.
    Điệp vận: Cái điều bạc-mệnh có chừa ai đâu! Nỗi-niềm tưởng đến mà đau, Thấy người nằm đó, biết sau thế nào? Quan rằng: "Chị nói hay sao! Một lời là một vận vào khó nghe!
    Chi tiết bất nhất: Giờ đâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm (c. 648); Hẳn ba trăm lạng kém đâu (c. 829)
    Truyện Kiều là một viên ngọc, nhưng là viên ngọc có vết. Tác giả Hồng Huy trong cuốn Đọc kỹ Truyện Kiều kể ra tới 40 vết, ông gọi là “không thoả đáng” và 20 điểm, ông ghi là “hơi lạ”.

    4/ Ảnh hưởng của Truyện Kiều trên thi ca đời sau

    Điều khá thú vị là có một số câu trong Truyện Kiều đã được lặp lại nguyên văn trong những tác phẩm ra đời sau.
    Kiều trong Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự (cháu rể của Nguyễn Du):
    Đã gần chi có điều xa (c. 1365 Truyện Kiều; c. 411 Hoa Tiên)
    Nỉ non đêm ngắn tình dài (c. 1369, TK; c. 1215 HT)
    Tưởng bây giờ là bao giờ (c. 3012 TK; c. 1229 HT)
    Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh (c. 2164, TK; c.1378 HT)
    Biết thân mình, biết phận mình, thế thôi (c. 220 TK; c. 1432 HT)
    Trông vời cửa bể mênh mang (c. 2215 TK; c. 1455 HT)
    Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng (c. 2504 TK; c. 1540 HT)

    Kiều trong thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu:
    Chữ tài liền với chữ tai một vần (c. 3248 TK; c. 594 Lục Vân Tiên).

    Kiều trong thơ Phan Trần:
    Như nung gan sắt, như bào lòng son (c. 2832 TK; c. 526 Phan Trần)
    Hạt châu thánh thót quyện bào (c. 3015 TK; c. 526 PT)
    Đoạn trường thay, lúc phân kỳ (c. 869 TK; c. 713 PT)

    Kiều trong thơ Trinh Thử của Hồ Huyền Qui:
    Có khi biến, có khi thường (c. 3117 TK; c. 131 Trinh Thử)
    Ghen tuông thì cũng người ta thường tình (c. 2366 TK; c. 842 TT)

    Về hình thức, những đặc tính của thể thơ lục bát Việt-Nam đã được Nguyễn Du thu gọn tất cả trong Truyện Kiều, cộng với những khám phá mới hay sử dụng ngẫu nhiên, đã là một bản đúc kết đầy đủ về kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến người làm thơ đời sau bằng cách thẩm thấu tự nhiên, hoặc qua sự nghiên cứu, nhận xét và chấp nhận.
    Lời thơ, nhịp tiết, âm thanh, hình ảnh của Đoạn trường tân thanh đã ghi dấu trong thi ca của Phạm Thiên Thư. Cảnh "thanh minh trong tiết tháng ba" được họ Phạm miêu tả:
    Vi vu đồi liễu cồn mây
    Hơi thu toả cánh hạc bay chập chờn
    Cỏ vàng, núi nhuộm tà dương
    Đồi phong lá gọi bóng sương xạc xào
    (Đoạn trường vô thanh)

    Dấu xưa, tình cũ đậm nét trong lục bát Vũ Hoàng Chương:
    Nắng phai để mộng tàn lây
    Tình đi cho gió sương đầy quán không
    Chợ tan ngàn nẻo cô phòng
    Sầu dâng bàng bạc cánh đồng tịch liêu
    (Chợ chiều)

    Nỗi vui trùng hội của người đời trước như còn vang vọng trong giọng cười tái hợp Thanh Nam:
    Tới đây như tự bao giờ
    Ngẫu nhiên nắng sớm tình cờ mưa khuya
    Tủi mừng dăm mặt cố tri
    Tưởng xa nghìn dặm lại về một phương.
    (Buổi đầu)

    Nỗi hoài vọng xót xa về cố quận của Vương thị đã bén rễ trong thơ Viên Linh:
    Thuyền đi, từ ấy lên đường
    Mênh mông tần hải quê-hương góc trời

    Đổi nhan ai đổi được hồn
    Nước reo ngoài vực, sóng cồn trong tâm.
    (Thuỷ mộ quan)

    Cách ngắt 3/3 trong Truyện Kiều cũng được sử dụng:
    Lời tỉnh táo, lời mê man
    Điệu thê thiết rống, điệu bàng hoàng ca.
    (Bùi Giáng)

    Và, cách ngắt câu của Nguyễn Du trong thể lục bát được hậu thế hưởng ứng và đẩy tới mức chót của sự bất thường:
    Rằng ta vẫn nhớ đến người
    Thèm nghe sóng vỗ thuyền, lời ca xưa.
    (Cung Vũ)


    Ảnh hưởng của Truyện Kiều không phải chỉ đậm nét trong một vài câu hay vài bài thơ của dăm tác giả; mà hơi thơ, không khí của truyện, lòng u ẩn, tính yếm thế của Nguyễn Du, qua hình ảnh Thuý Kiều, đã hầu như trùm phủ lên sinh hoạt văn học Việt suốt hơn trăm năm sau.

    Ngoài mấy trăm pho sách -- kể cả ngoại ngữ -- khảo luận về Truyện Kiều và Đoạn trường tân thanh, về nghi án Kim Tuý Tình Từ, còn có hàng ngàn bài viết, bài thơ của hàng trăm tác giả nói về Kiều: bàn bạc, vịnh Kiều, phú Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, cảm đề,.. Xem ra, từ xưa đến nay, chưa có tác phẩm nào để lại nhiều dấu vết trên văn chương hậu thế đến mức đó.

    Truyện Kiều phổ cập trong giới bác học và dân gian, đồng thời đi thẳng vào nếp sống văn hoá của dân tộc. Tục bói Kiều, thú kể Kiều, ngâm vịnh Kiều đã trở nên quen thuộc với nhiều giới. Thơ văn trong Truyện Kiều tràn vào ca dao, nhập kho thi ca bình dân:
    Người đâu gặp gỡ làm chi
    Trăm năm biết có duyên gì hay không!
    hay
    Sớm đào tối mận lân la
    Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.

    Tên riêng của nhiều nhân vật trong Truyện Kiều đã phong phú hoá kho tàng Việt ngữ, trở thành những tĩnh từ mới: tính sở khanh, máu hoạn thư; những danh từ chung: tú bà, khuyển ưng,.. Thậm chí tên riêng của Kiều cũng đã được dùng để chỉ các cô sống bằng nghề buôn hương bán phấn: kiều nữ.

    Xã-hội Việt-Nam đời sau không vì Truyện Kiều mà xấu đi. Sự thay đổi trong nếp sống, trong cách suy nghĩ là do sức tác động của văn hoá Âu Mỹ xâm nhập; và khi ấy, chính hệ thống tư tưởng và khuynh hướng luân lý, đạo đức cổ truyền, cái khung của Truyện Kiều, đã hoá giải bớt sức tác động ấy, tạo thành một quan-niệm có tính cách dung hoà, gạn lọc và bổ sung giữa cũ và mới.

    Tư tưởng Việt-Nam, thuyết sống đặt trên ba nền móng, như ba trụ cột vững chắc: quan-niệm về sự luân hồi, khuynh hướng vô vi và tinh thần Nho giáo đã được Nguyễn Du lồng vào Truyện Kiều, để từ đó truyền đạt và quảng bá sâu rộng trong dân gian, trở thành một thứ luân lý xã-hội, làm khuôn mẫu cho cách xuất xử trong đời sống hàng ngày. Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết, là ảnh hưởng của Truyện Kiều trong văn học Việt-Nam.

    Nhờ Truyện Kiều, quốc văn Việt-Nam (chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La-tinh) đã chuyển mình, vượt được một bước tiến rất dài trong giai đoạn hoàn bị. Chữ quốc ngữ đã giúp cho Truyện Kiều phổ biến sâu rộng. Và ngược lại, cũng chính Truyện Kiều đã tạo nên sự vui thú, khuyến khích người dân học quốc ngữ để tìm đọc. Vụ bút chiến dữ dội xoay quanh đề tài Truyện Kiều, giữa hai phái tân và cựu học Việt-Nam hồi thập niên 20, thế kỷ 20, như đã nhắc ở trên, vô hình trung lôi cuốn sự suy nghĩ, bàn bạc, thẩm định của độc giả trong nước suốt một thời-gian dài. Chữ quốc ngữ trong dịp này lại được mài dũa, sử dụng để truyền thông. Nếu cuộc bút chiến ấy không xảy ra, nếu không có Truyện Kiều, sinh hoạt văn học thời đó có thể đã quay sang các vấn-đề khác…

    Về mặt thi ca, Truyện Kiều đã giúp hệ thống hoá thể lục bát, dẫn từ chỗ hình thành, tới hoàn bị và thông dụng. Nhịp điệu (ngắt hơi và giai khúc), hình ảnh, biến tiết, biến điệu là những kỹ xảo mới của Nguyễn Du, giúp lục bát thoát khỏi cái nhịp đều đặn, buồn nản cố hữu; trở nên linh động, nhí nhảnh hơn. Kỹ thuật của Nguyễn Du đã được người làm thơ đời sau tìm thấy và khai thác, khiến lục bát đã trổ thêm được những đoá thơ hương sắc trong vườn văn Việt-Nam, bên cạnh sự phong phú, phóng khoáng của thơ mới và thơ tự do.

    Nhìn chung, từ thượng cổ thời đại cho đến nay, có tác phẩm nào vượt được Truyện Kiều, và có chỗ nào xứng đáng hơn là vị trí hàng đầu, khi phải xếp chỗ cho tác phẩm kiệt xuất này?

    Dương Thượng Ngã


    Chú dẫn:

    Nguyễn Du [1765-1820, người Hà tĩnh, con của Tham tụng (thủ tướng) Nguyễn Nghiễm nhà Lê, em của Tham tụng Nguyễn Khản], sinh vào thời Mạc đoạt quyền Lê. Lê-Mạc phân tranh, nhà Nguyễn đóng ở Thanh Hoá, Trịnh đoạt quyền Lê, Trịnh-Nguyễn phân tranh rồi Tây sơn dấy nghiệp. Chúa Trịnh Sâm tàn ác, bỏ trưởng lập thứ khiến hai phe trưởng thứ nghịch nhau. Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra Bắc dẹp Trịnh, rồi sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc dẹp Chỉnh, tiếp theo lại sai Ngô Văn Sở ra Bắc dẹp Vũ Văn Nhậm. Đây là giai đoạn cực kỳ hỗn loạn trong xã hội Việt Nam, giềng mối luân thường sổ tung, giai cấp nho sĩ suy yếu, tinh thần băng hoại.
    Nguyễn Du từng làm Lại bộ hữu tham tri (Thứ trưởng Bộ Nội-vụ) triều Gia Long, đi sứ, cùng anh cầm quân dẹp loạn, sau nhà Lê suy yếu, ông lui về núi Hồng lĩnh sống ẩn dật.
    Tác phẩm:
    - Thanh Hiên tiền hậu tập
    - Bắc hành thi tập
    - Nam trung tạp ngâm
    - Lý Quý kỷ sự
    - Chiêu hồn ca
    - Văn tế thập loại chúng sinh.
    - Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)

    Đoạn trường tân thanh: trường thi 3254 câu, viết lại từ Kim Vân Kiều Truyện (của Thanh Tâm Tài Nhân, 4 quyển, 20 hồi), sửa đổi, thêm bớt khá nhiều, và lồng tư tưởng cùng nhân sinh quan, xã hội quan của ông vào truyện.
    Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du có thể phân làm 7 hồi, cùng hai đoạn mở và kết.
    Mở: (1-28)
    Hồi 1: Kim-Kiều đính ước (29-528)
    Hồi 2: Kiều bán mình (529-864)
    Hồi 3: Kiều ở thanh lâu (865-1274)
    Hồi 4: Kiều ở nhà Hoạn Thư (1275-1932)
    Hồi 5: Kiều ở thanh lâu lần thứ hai (1933-2164)
    Hồi 6: Kiều ở với Từ Hải (2165-2736)
    Hồi 7: Kim-Kiều tái hợp (2737-3240)
    Kết: (3241-3254)

    _____________________________________________________

    Sách tham khảo:

    . Tạp chí Nam Phong số 30, tháng 12-1919. Phạm Quỳnh, Thượng Chi Văn Tập, tập III, trang 12, 93, 122, 127, 142 và 143.
    . Tạp chí Nam Phong, các số 68 và 69 từ tháng 2-1923 trở đi.
    . Tạp chí Nam Phong số 71, trang 423.
    . Tạp chí Nam Phong số 79, tháng 1-1924, trang 30; Những áng văn hay, trang 32, 33, 34.
    . Đọc kỹ Truyện Kiều của Hồng Huy, Làng Văn, Canada 1998.
    . Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, Trình Bày, Sài gòn, Việt Nam 1967
    . Truyện Kiều và tuổi trẻ của Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung và Đặng Quốc Cơ, ấn bản 3, Làng Văn, Canada 2011.
    . Truyện Thuý Kiều của Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Việt Nam, 1925.
    . Truyện Kiều, chữ nôm và khảo dị của Nguyễn Bá Triệu, Canada 1999.
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này