'Bác sĩ' chuyên làm 'hồi sinh' những cuốn sách xưa Tiếc những quyển sách quý trong bộ sưu tập của mình và của bạn bè bị hư hỏng theo thời gian, Nguyễn Đức Khuynh tự mày mò, nghiên cứu phục hồi các đầu sách cũ. Lâu dần anh trở thành “bác sĩ” chuyên cứu chữa, phục hồi nguyên bản các loại sách xưa quý hiếm đã bị hư hỏng. Tiếc những quyển sách quý cứ hư hỏng dần theo thời gian, Nguyễn Đức Khuynh đã tự học đóng sách và trở thành một chuyên gia về phục chế sách. Ảnh: Khải An Duyên nợ với “nghề” đóng sách Nguyễn Đức Khuynh sinh năm 1982 (người gốc Hà Nội hiện sinh sống tại Nha Trang), tuy còn khá trẻ trong giới chơi và sưu tầm sách nhưng tên tuổi anh lại nổi như cồn. Anh vừa là quản trị viên của một diễn đàn sách xưa lớn nhất Việt Nam kiêm giữ mục phục chế sách cũ đồng thời còn là một nhà sưu tầm sách có tiếng trong giới. Khuynh kể, anh mê đọc sách từ nhỏ và rất thích đọc các loại sách nghệ thuật xưa. Thích đọc sách nên quý sách, nhất là những đầu sách hay và hiếm được ấn bản trước những năm 1975. Cũng chính vì mê sách nên trong quá trình sưu tầm và gặp được những quyển sách quý, nhưng bị hư hỏng, long bìa, bung chỉ… anh thẫn thờ tiếc nuối nhiều ngày liền. “Nhiều khi trên diễn đàn, anh em chia sẻ hình ảnh về một cuốn sách quý nhưng đã bị hư hỏng nhiều do thời gian và do cách bảo quản không đúng cách, làm mình tiếc đứt ruột dù sách không phải là của mình. Việc sách quý bị hư hỏng theo thời gian là nỗi lo chung của người chơi sách nên mình nghĩ đến việc bảo quản, phục chế chúng”, Khuynh nhớ lại bước ngoặt vào “nghề”. Những quyển sách cũ được Khuynh phục chế và đóng bìa mới luôn được giới chơi sách đánh giá cao. Ảnh: Khải An Nghĩ là làm, Khuynh lân la hỏi các lão làng chơi sách tại Nha Trang để tìm về người thợ đóng sách “đỉnh” nhất xứ Trầm Hương thời xưa. Dần dà anh tìm được đến con của “bậc thầy” đóng sách tại Nha Trang (ông cụ đóng sách nổi tiếng ở Nha Trang đã qua đời) xin học nghề và lục tìm trên internet về các tài liệu đóng sách, phục hồi sách cũ, một số bạn bè ở bên Châu Âu biết chuyện cũng gửi thêm một ít tài liệu bên đó để anh học tập. “Khi nghiên cứu lãnh vực này, tôi phát hiện ra từ trước đến nay việc đóng sách hay phục chế sách cũ ở Việt Nam đa phần là làm… hư sách thay vì bảo quản, tôn vẻ đẹp của sách. Bởi vì, phục chế hay đóng bìa cho sách cũ là một bộ môn nghệ thuật có từ rất lâu đời tại các nước phương Tây hay một số nước ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản. Ở châu Âu một quyển sách sẽ được nâng giá trị lên một vài lần đến vài chục lần nếu qua tay một nghệ nhân đóng bìa nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, sách đóng bìa luôn có giá thấp hơn sách nguyên bản, đó là một sự nghịch lý”, anh Khuynh nói với sự tiếc nuối. Theo anh, hầu như ở Việt Nam người ta thường đưa sách vào các tiệm photocopy để đóng bìa khi sách bị hư hỏng hoặc các thư viện đóng bìa để bảo quản chúng, nhưng với cách đóng bìa chung chung này vô hình trung làm quyển sách bị hư hại hơn nữa do bị cắt xén, hoặc lỗ may quá rộng, xa gáy làm người đọc không thể nhìn thấy ảnh và các chữ gần gáy sách. Để đóng bìa cho những cuốn sách đã “bị thương” là cả một quá trình, đòi hỏi sự tỷ mỷ, hiểu sách, hiểu nghề và phải có tình yêu với sách. Thông thường, khi bắt đầu phục chế sách xưa, anh cẩn thận lật giở từng trang xem chất liệu giấy, khâu theo kiểu gì, mức độ hư hỏng…đánh giá mức độ hư hại, quyết định phương án xử lý, rồi mới tiến hành phục chế. Phải yêu sách, hiểu sách và giỏi nghề mới đóng được những quyển sách gần như đã bỏ đi. Ảnh: Khải An “Mỗi quyển sách là một kết cấu riêng biệt, có sách được may theo từng tép đơn, tép đôi hay nhiều tép gộp lại. Đó là chưa kể các loại sách được in bởi các loại giấy khác nhau… Và để phục chế, đóng bìa cho một quyển sách hư hỏng nhẹ phải mất ít nhất một ngày, riêng loại hư hỏng nặng có khi phải mất và tuần đến vài tháng mới xong”, chàng trai gốc Hà Nội cho biết. Sống trọn đam mê Phải mất hai năm thực nghiệm trên sách của mình với biết bao hư hỏng và nhiều đêm liền thức trắng khi “ngộ” ra được nhiều điều từ nghề đóng sách, anh mới dám chia sẻ trên diễn đàn sách xưa. Khi những đầu sách tưởng như bỏ đi, được anh đóng lại không chỉ nguyên bản mà còn đẹp hơn nhờ bìa sách được làm mới bằng da, lụa tơ tằm hoặc gấm... đã làm giới chơi sách “dậy sóng”. Số người đăng ký nhờ anh “cứu sách” cứ dài dằng dặc. Đôi lúc vì bận rộn lo cho kinh tế gia đình, không đủ thời gian để làm, anh từ chối nhiều nhưng anh em cứ gửi đến “ép” anh đóng hộ, dù cho có khi phải đợi cả năm! Đối với người chơi sách, việc cho mượn hay gửi sách quý cho người khác là điều tối kỵ nhưng nhiều trong số đó vẫn gửi đến Khuynh nhưng đầu sách có giá cả cây vàng để nhờ anh đóng bìa giúp. Từ năm 2009 cho đến nay, anh phục chế và đóng cho khoảng 1.000 đầu sách. Mỗi cuốn sách đối với anh và chủ nhân đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Bộ sách Khuynh vừa hoàn thành trước Tết Nguyên Đán cho các bạn hữu xa gần. Ảnh: Khải An Mỗi loại sách anh chọn chất liệu bìa, màu sắc phù hợp với nội dung và gu thẩm mỹ của người sở hữu. Với sách theo phong cách phương Tây anh đóng bìa da, nổi gân, khảm phù điêu, riêng sách theo phong cách phương Đông anh chọn chất liệu lụa, gấm, … Dù đã khá thành thạo với nghề đóng sách nhưng anh vẫn thấy mình đang đi theo lối mòn của tiền nhân và chưa tạo được nét riêng. Thao thức nhiều để rồi anh quyết định kết hợp kỹ thuật thêu của nghệ nhân XQ vào bìa sách. Chính sự táo bạo đầy chất mỹ thuật đã giúp những bìa sách của anh khác biệt để phù hợp với nhiều đầu sách về văn hóa, mỹ thuật… của Việt Nam và Á Đông. “Khi đang loay hoay tìm hướng đi riêng tôi thấy vợ (nghệ nhân thêu XQ) tạo ra những tác phẩm thêu rất đẹp đậm chất Á Đông nên tôi đã kết hợp với kỹ năng đóng bìa của mình. Nhờ vậy bìa sách của tôi có sự khác biệt với Châu Âu và phù hợp với nhiều loại sách của Việt Nam, nhưng hơn hết là “khách hàng” của tôi rất thích chúng”, anh cười vui vẻ. Chính việc ham học hỏi và chọn cho mình hướng đi riêng, anh đã được cộng đồng đọc sách yêu mến và tin tưởng. Mới đây, anh được thầy Thích Không Hạnh quản lý thư viện Huệ Quang (Tu Viện Huệ Quang – TP HCM) mời vào hướng dẫn nhân viên thư viện đóng sách và phục chế. Suốt một tuần ròng rã anh cố gắng truyền đạt kỹ năng và kiến thức mình có về việc đóng sách để nhân viên thư viện Huệ Quang lãnh hội. “Khi được anh Khuynh hướng dẫn tôi mới thấy việc phục chế sách, đóng bìa cho sách nhưng vẫn giữ nguyên bản là cực khó. Riêng việc khâu sách bung bìa đã có hàng chục cách khâu để phù hợp với từng loại giấy và kết cấu sách. Qua một tuần được anh Khuynh tận tình hướng dẫn chúng tôi đã học được một phần nào và sẽ tiếp tục mời anh đến thư viện hướng dẫn trong thời gian tới”, anh Trương Bảo Hòa phụ trách thư viện Huệ Quang cho biết. Khuynh hướng dẫn tại thư viện Huệ Quang - TP HCM. Ảnh: NVCC Riêng với Nguyễn Đức Khuynh, việc chia sẻ kiến thức để bảo tồn, phục chế, đóng bìa cho sách quý mới là điều quan trọng. Vậy nên, ai cần anh cũng sẵn sàng hướng dẫn, gửi tài liệu và thậm chí là gặp mặt “mục thị”. “Các nước phương Tây coi việc đóng bìa sách là một bộ môn nghệ thuật,nên khi tìm hiểu, thực hành tôi đã cảm nhận được chuyện ấy. Do đó, tôi không nghĩ đây là nghề kiếm cơm, vì nếu chỉ sống bằng nghề đóng sách tôi không thể nuôi nổi gia đình. Đây chính là lý do khiến nghề đóng sách ở Việt Nam gần như thất truyền nhưng tôi sẵn sàng giúp đóng bìa cho những quyển sách quý để tác phẩm đó có thêm điều kiện “chiến đấu” với thời gian. Sách là di sản quý và những quyển sách có giá trị về tri thức, lịch sử càng cực quý nên cần được bảo quản cách này hay cách khác”, người đàn ông mê sách tâm sự.