Kawabata Yasunari

Tin đăng trong 'Tác giả | Authors' bởi admin, Cập nhật cuối: 03/08/2018.

  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Tham gia :
    16/04/2018
    Bài viết:
    14.156
    Lượt thích:
    143
    Điểm thành tích:
    124.698
    Kawabata Yasunari (tiếng Nhật: 川端 康成, かわばた やすなり; 14 tháng 6 năm 189916 tháng 4 năm 1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba, sau Rabindranath Tagore (Ấn Độ năm 1913) và Shmuel Yosef Agnon (Israel năm 1966), đoạt Giải Nobel Văn học năm 1968, đúng dịp kỷ niệm 100 năm hiện đại hóa văn học Nhật Bản tính từ cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868.

    Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.

    Tiểu sử
    Kawabata sinh ở Osaka, mồ côi từ năm lên 2, từ đó cậu bé và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi cậu lên 7 thì bà ngoại qua đời, lên 9 thì mất chị, được 14 tuổi thì mất cả ông ngoại, cậu phải về Tokyo sống với gia đình người dì.

    Đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn của mình bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời.

    Ở tuổi đôi mươi, Kawabata lại đánh mất một người mà ông hết lòng yêu thương, một thiếu nữ ông gọi là Chiyo. Ông đã cùng nàng hứa hôn nhưng khi mọi việc chuẩn bị xong, nàng bất ngờ từ hôn, không một lời giải thích.

    "Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ..."
    Cảm thức cô đơn trong văn phẩm Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông. Cái cô đơn ấy bắt đầu với tập Nhật ký tuổi mười sáu. Khi nó được xuất bản vào năm 1925, tác phẩm đầu tay này có lẽ đã được viết lại dù trong đó, ấn tượng của một thiếu niên trước cái chết của người thân (ông ngoại) vẫn còn rõ nét. Những ngày cuối cùng khốn khổ của một người già yếu mù loà, cuộc sống cô độc của một thiếu niên nhỏ bé đối diện với sinh ly tử biệt được thể hiện chân thực.

    Hồi nhỏ, Kawabata vẫn mơ ước vẽ tranh. Nhưng đến tuổi mười lăm, ông cảm thấy mình có tài viết hơn là vẽ, nên quyết định chọn con đường văn chương. Do đó mà trong văn xuôi Kawabata, những phong cảnh thiên nhiên và thế giới tâm hồn không ngớt mở ra trước mắt ta những màu sắc tinh tế.

    Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo mà đáng chú ý nhất là tờ Mainichi Shimbun ở Osaka và Tokyo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào sự hăng hái quân phiệt trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh là một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ); một thời gian ngắn sau đó ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi.


    Năm 1972 Kawabata tự tử bằng khí đốt trong một căn phòng ở Hayama, Kamakura. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nào là sức khoẻ kém, nào là một cuộc tình bị cấm đoán, nào là cú sốc do vụ tự tử của bạn ông, nhà văn Mishima Yukio năm 1970. Tuy nhiên, khác với Mishima, Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, và vì trong các tác phẩm của ông không có gợi ý gì, đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự.

    Thơ ca và truyện ngắn của Kawabata được ấn hành ngay từ lúc ông còn là học sinh trung học. Tình yêu thơ ca thấm đượm trong từng trang văn của ông, đặc biệt với loại truyện rất ngắn mà ông gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay, loại truyện mà ông luôn thích viết trong suốt cuộc đời mình, như ông giải thích: "Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca; còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay... Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu chuyện ấy..."

    Vào Đại học Tokyo, Kawabata nghiên cứu cả văn học Anh lẫn văn học Nhật. Ông say mê thơ văn cổ điển dân tộc như Truyện kể Genji của Murasaki Shikibu, Sách gối đầu của Sein Shonagon lẫn các tác giả hiện đại Tây phương như Marcel Proust, James Joyce...


    Văn nghiệp

    Khi còn là sinh viên ông đã cùng với Yokomitsu Riichi lập ra tờ Văn nghệ thời đại (Bungei jidai) làm cơ quan ngôn luận cho trường phái văn học tân cảm giác (shinkankaku-ha) nhằm thực hiện một "cuộc cách mạng văn học đối đầu với làn sóng văn học cách mạng đương thời". Chọn con đường riêng cho mình, Kawabata tự bạch: "Tôi đã tiếp nhận nồng nhiệt văn chương Tây phương hiện đại và tôi cũng đã thử bắt chước nó, nhưng chủ yếu tôi là một người Đông phương và suốt mười lăm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình."

    Một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu được công nhận nhờ một số truyện ngắn, và được khen ngợi với truyện Vũ nữ xứ Izu (伊豆の踊り子) năm 1926, nói về những quyến rũ mới chớm của tình yêu tuổi trẻ. Các tác phẩm sau này của ông sẽ đi vào những chủ đề tình yêu tương tự. Các nhân vật của ông thường là các cô gái rất đẹp và trẻ, ông luôn hướng đến một vẻ đẹp vẹn toàn, ông cũng là người tôn sùng vẻ đẹp mỏng manh và luôn sử dụng ngôn ngữ đầy hình ảnh u ẩn về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người.

    Xứ tuyết (雪国), tiểu thuyết đầu tiên của Kawabata, được bắt đầu năm 1934, đăng nhiều kỳ từ 1935 đến 1937, và chỉ hoàn tất năm 1947. Chuyện tình giữa một tay chơi từ Tokyo và một nàng ca kỹ (geisha) tỉnh lẻ diễn ra tại một thị trấn xa xôi đâu đó phía tây rặng Alps Nhật Bản (dãy núi chia đôi đảo Honshu). Vẻ đẹp của tuyết, của các mùa, của người nữ hòa quyện trên từng trang sách, đẹp như thơ, đưa tác phẩm ngay lập tức trở thành cổ điển, và như lời Edward G. Seidensticker, "có lẽ là kiệt tác của Kawabata", đã đưa Kawabata vào số những nhà văn hàng đầu nước Nhật.

    Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông tiếp tục thành công với những tiểu thuyết như Ngàn cánh hạc (千羽鶴, một chuyện tình bất hạnh trong khung cảnh trà đạo), Tiếng rền của núi(山の音), Người đẹp say ngủ (眠れる美女) và Cái đẹp và nỗi buồn (美しさと哀しみと, tiểu thuyết cuối cùng của ông, lại một câu chuyện đam mê với kết cuộc buồn).

    Bản thân Kawabata cho rằng tác phẩm hay nhất của mình là Danh thủ cờ vây (名人, 1951), truyện ngắn này tương phản rõ rệt với những tác phẩm khác. Truyện kể lại (có hư cấu thêm) một ván cờ vây năm 1938, mà ông đã tường thuật cho báo Mainichi. Đó là ván cờ cuối cùng của danh thủ Shūsai, ông này đã thua người thách đấu trẻ hơn mình, rồi qua đời một năm sau. Mặc dù truyện có vẻ hời hợt, chỉ là thuật lại một cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm, một số độc giả cho rằng đó là ẩn dụ thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, số khác lại coi là cuộc đấu tranh giữa truyền thống và hiện đại.

    Năm 1968, Kawabata được trao tặng giải Nobel với lời ca ngợi của Viện Hàn lâm Thụy Điển: "Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người" (diễn văn của tiến sĩ Anders Usterling trong lễ trao giải).

    Là chủ tịch Hội Văn Bút Nhật Bản trong nhiều năm sau chiến tranh, Kawabata đã thúc đẩy việc dịch văn học Nhật sang tiếng Anh và các thứ tiếng phương tây khác.

    Một số tác phẩm chính
    • Lễ chiêu hồn, truyện ngắn (Shokonsai ikkei, 1921)
    • Vũ nữ Izu (伊豆の踊り子 Izu no Odoriko 1926)
    • Hồng đoàn Asakusa (Asakusa Kurerai dan, 1930)
    • Thuỷ tinh huyền tưởng (Suisho genso, 1931)
    • Cầm thú (Kinju, 1933)
    • Xứ tuyết (雪国 Yukiguni, 1935-37, 1947)
    • Ngàn cánh hạc (千羽鶴 Sembazuru, 1949-52)
    • Danh thủ cờ vây (名人 Meijin, 1951-54)
    • Tiếng rền của núi (山の音 Yama no Oto, 1949-54)
    • Hồ (Mizuumi, 1955)
    • Người đẹp say ngủ (眠れる美女 Nemueru bijo, 1961)
    • Cố đô (古都 Koto, 1962)
    • Đẹp và buồn (美しさと哀しみと Utsukushisa to Kanashimi to, 1964)
    • Cánh tay, truyện ngắn (1965)
    • Tôi ở đất Phù Tang xinh đẹp, diễn từ nhận giải Nobel (Utsukushii Nihon no watakushi, 1968)
    • Tóc dài (Kani wa Nagaku, 1970)
    • Truyện ngắn trong lòng bàn tay (掌の小説 Tenohira no shosetsu, 1971)
    Các bản dịch tiếng Việt
    • Vũ nữ Izu:
      • Cô đào miền Izu, Vũ Thư Thanh trích dịch, Tạp chí Văn, số 122, số đặc biệt về Kawabata, Sài Gòn, 1969
      • Vũ nữ Izu, Thái Hà dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1986
      • Vũ nữ Izu, Huyền Không dịch, Trình Bày, Sài Gòn 1969.
      • Vũ nữ Izu, Nguyễn Lương Hải Khôi dịch.
    • Xứ tuyết:
      • Xứ tuyết, Vũ Thư Thanh trích dịch, Tạp chí Văn, số 122, số đặc biệt về Kawabata, Sài Gòn, 1969
      • Xứ tuyết, Chu Việt dịch, Trình Bầy xuất bản, Sài Gòn, 1969
      • Vùng băng tuyết, Giang Hà Vỵ dịch, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1988
      • Xứ tuyết, Ngô Văn Phú và Vũ Đình Bình dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội, 1995
      • Xứ tuyết, Lam Anh dịch, IPM và Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018
    • Ngàn cánh hạc:
      • Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch, Trình Bầy xuất bản, Sài Gòn, 1969
      • Rập rờn cánh hạc, Nguyễn Tường Minh dịch, Sông Thao, Sài Gòn, 1970, 1974
      • Ngàn cánh hạc, Tuấn Minh dịch, Sống Mới, Sài Gòn, 1971
      • Ngàn cánh hạc, Giang Hà Vị dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp Kiên Giang, 1988
    • Tiếng rền của núi:
      • Tiếng núi rền, Vũ Thư Thanh trích dịch, Tạp chí Văn, số 122, số đặc biệt về Kawabata, Sài Gòn, 1969
      • Tiếng rền của núi, Ngô Quý Giang dịch, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1989
    • Người đẹp say ngủ:
      • Người đẹp say ngủ, Vũ Đình Phòng dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1999
      • Người đẹp ngủ mê, Quế Sơn dịch, Nhà xuất bản Thời Đại, Hà Nội, 2010
    • Cố đô, Thái Văn Hiếu dịch, Nhà xuất bản Hải Phòng, 1988
    • Diễn từ Nobel văn chương 1968:
      • Đất Phù Tang, cái đẹp và tôi, Cao Ngọc Phượng dịch, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1969
      • Tôi thuộc về vẻ đẹp Nhật Bản trong "phần I:Văn chương quan niệm và tư tưởng", sách Những bậc thầy văn chương thế giới – tư tưởng và quan niệm, Nhà xuất bản Văn học, H. 1995
      • Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, Đoàn Tử Huyến dịch từ bản tiếng Nga Красотой Японии рожденный của T. P. Grigorievich, đăng trên Talawas tháng 8/2005[4]
    • Truyện ngắn trong lòng bàn tay, nhiều dịch giả
    • Tuyển tập tác phẩm Yasunari Kawabata, tập hợp 6 truyện ngắn; 46 truyện 'trong lòng bàn tay' và 6 tiểu thuyết, Nhà xuất bản Lao động, H. 2005
    • Đẹp và buồn, Mai Kim Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2009
    • Hồ, Uyên Thiểm dịch, Nhà xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, 2016
    Đọc thêm
    • Tạp chí Văn, số 140, số đặc biệt về Kawabata, Sài Gòn, ngày 15 tháng 10 năm 1969
    • N.T.Fedorenko, "Kawabata - Con mắt nhìn thấu cái đẹp" (1974), Thái Hà dịch, tạp chí Văn học nước ngoài, số 4/1999
    • Lưu Đức Trung, Yasunari Kawabata cuộc đời và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1997
    • Nhật Chiêu, "Thế giới Kawabata Yasunari (hay là cái đẹp: hình và bóng)", tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học, số 3/2000.
    • Tuyển tập Văn chương 6 - Đọc Kawabata, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2000
    • Khương Việt Hà, "Mỹ học Kawabata Yasunari", tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học, số 6/2006.
    • Hoàng Long, "Những đặc điểm thi pháp của truyện ngắn trong lòng bàn tay", Yasunari Kawabata, Tuyển tập tác phẩm, Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006.
    • Đào Thị Thu Hằng, Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007
    Tham khảo
    1. ^ Ishi-da Kazu-yoshi, Nhật Bản tư tưởng sử, tập II, bản dịch của Châm-Vũ Nguyễn-Văn-Tần, Bộ Văn-hóa Thanh-niên và Giáo-dục xuất bản, 1973, trang 440.
    2. ^ Dòng nhật ký và tùy bút trong văn học Nhật Bản, Văn Hóa Nghệ An, truy cập 22-12-15
    3. ^ Văn, Tập san văn chương, tư tưởng, nghệ thuật số đặc biệt về Kawabata Yasunari, năm thứ 6, số 140 ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, trang 5.
    4. ^ Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản
     
    Đang tải...
  2. admin

    admin Administrator Staff Member

    Tham gia :
    16/04/2018
    Bài viết:
    14.156
    Lượt thích:
    143
    Điểm thành tích:
    124.698
    Mối tình đầu bi kịch của nhà văn đoạt giải Nobel Kawabata
    Tiểu thuyết gia Nhật Bản từng yêu một cô gái mồ côi làm phục vụ bàn. Họ đính ước nhưng không bao giờ trở thành vợ chồng bởi cô gái đột ngột hủy hôn không một lời giải thích.


    Yasunari Kawabata (14/6/1899 - 16/4/1972) là tiểu thuyết gia Nhật Bản đầu tiên giành Nobel Văn học vào năm 1968 với những tác phẩm Xứ tuyết, Người đẹp say ngủ, Cố đô... Ngoài những áng văn "đẹp và buồn" mang đậm tâm hồn Nhật, Kawabata còn được biết đến với cuộc đời nhiều u uẩn, bi kịch và kết thúc bằng vụ tự tử bằng khí đốt trong căn phòng ở Kamakura năm 1972. Những nỗi u buồn trong cuộc đời Kawabata được cho là xuất phát từ tuổi thơ mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ cái chết của người bạn thân, và từ cuộc tình đầu bất hạnh với cô gái trẻ tuổi Hatsuyo Ito. Bí ẩn câu chuyện tình bi kịch được vén màn trong một bài viết trên trang The Wall Street Journal mới đây.

    Yasunari Kawabata nhìn thấy Hatsuyo Ito lần đầu tiên năm 1919, tại quán cà phê Elan ở Tokyo. Kawabata khi đó 20 tuổi, đang cân nhắc về việc theo đuổi ngành văn học Nhật Bản ở trường đại học; Ito 13 tuổi, làm phục vụ tại quán cà phê. Ito xinh đẹp, tràn đầy năng lượng và cô độc - cô mồ côi mẹ khi mới lên 9 tuổi. Kawabata, cũng như Ito, là một đứa trẻ mồ côi.

    Cả hai phải lòng nhau. Họ liên lạc với nhau nhiều hơn khi người nuôi nấng Ito thuở nhỏ rời khỏi Tokyo và cô được nhận nuôi tại một ngôi đền ở tỉnh Gifu. Tháng 9/1921, khi đã là sinh viên Đại học Đế chế Tokyo (ngày nay là Đại học Tokyo), Kawabata tới thăm Ito. Hatsuyo Ito nhận lời lấy Kawabata ngày 8/10/1921.

    Họ viết cho nhau những lá thư tràn đầy hy vọng, cùng lên kế hoạch cho tương lai. Thế nhưng, chỉ một tháng sau ngày đính ước, Hatsuyo Ito viết cho Kawabata lá thư nói rằng cô không bao giờ có thể gặp lại ông lần nữa. Những năm sau đó, hình bóng của Ito - cuộc tình đầu bi thương - được tái hiện trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của Kawabatta. Lý do Hatsuyo Ito đột nhiên biến mất luôn là một bí mật bị che phủ.

    [​IMG]
    Yasunari Kawabata và Hatsuyo Ito. Ảnh: Kawabata Foundation.

    Mới đây, con rể của Kawabata - Kaori Kawabata - cho biết trên tạp chí hàng tháng Bungei Shunju, rằng anh tin mình đã giải mã được bí ẩn nhờ chắp nối thông tin trong những lá thư mới phát hiện cũng như những đoạn nhật ký chưa từng công bố của tiểu thuyết gia. Trong khi Yasunari Kawabata sau đó nổi tiếng cả thế giới với tư cách là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel Văn học, trong những lá thư gửi Hatsuyo Ito, ông đơn giản chỉ là "Yasu-san" (anh Yasu). Những lá thư vừa tìm thấy tiết lộ quãng thời gian cuộc tình tan vỡ - từ tháng 9 tới tháng 11/1921 - được phát hiện trong ngôi nhà cũ của Kawabata ở Kamakura. 10 trong số đó là của Ito gửi cho Kawabata và một lá thư, chưa gửi, là những dòng chữ viết tay của nhà văn.

    Những lá thư của Ito, được đựng trong những phong bao nhỏ, chan chứa tình yêu mãnh liệt, ngây thơ của cô gái trẻ. "Em chưa bao giờ viết những lời yêu đương trong một lá thư. Đây là lần đầu tiên. Cuối cùng em cũng hiểu được thế nào là tình yêu". Lá thư đề ngày 23/10/1921, một phần vừa được đăng trên tạp chí Bungei Shunju.

    Trong khi đó, trong những dòng mở đầu của lá thư chưa gửi, Kawabata hỏi Ito liệu rằng cô đã nhận được thư ông gửi từ hôm 27/10 hay chưa. "Em vẫn chưa hồi âm, ngày lại ngày tôi vẫn ngồi đợi. Tôi rất lo lắng. Tôi lo cho em, tôi không thể làm bất cứ điều gì cho tới khi tôi gặp lại em" - ông viết - "Tôi không ngủ cả đêm chỉ sợ rằng em bị ốm. Tôi lo lắng cho em đến phát khóc". Hay "Tôi nhớ em, tôi nhớ em", là những lời yêu đương thống thiết của chàng trai 22 tuổi gửi tình đầu.

    Trong lá thư, Kawabata nghi ngờ có thể ngôi đền ở Gifu, nơi cô ở đã phát hiện mối quan hệ của họ và thậm chí thủ tiêu những lá thư của ông. Ông thuyết phục cô hãy tin tưởng ông, và nói rằng mọi thứ sẽ ổn khi cô cùng ông tới Tokyo. "Tôi sẽ làm mọi điều theo ý em". Lá thư được viết bằng mực xanh và nhiều từ được xóa và viết chận lên trên.

    Trong lá thư của Ito ngày 8/11, cô mang tới cho Kawabata một thông tin sét đánh: Cô buộc phải phá vỡ hôn ước vì một điều "cấp bách" mà cô không thể nói nhiều về nó. "Có thể anh sẽ bảo em nói cho anh điều đó là gì, nhưng em thà chết còn hơn nói ra với anh. Đây là lời tạm biệt".

    Ba năm sau đó, Kawabata xuất bản truyện ngắn "Emergency". So sánh giữa tác phẩm và lá thư cho thấy, nhà văn dùng nhiều từ của chính Hatsuyo Ito, với vài sự thay đổi nhỏ. Nhưng lý do "cấp bách" đó là gì? Kaori Kawabata, con rể nhà văn, nói những lá thư mới tìm thấy giúp giải thích rõ hơn một đoạn nhật ký chưa từng công bố của Kawabata, viết ngày 20/11/1923. Tiểu thuyết gia viết rằng, ở Saihoji, ngôi đền nơi Ito sống, cô bị một thầy tu cưỡng bức. Với mặc cảm không còn trinh trắng, Ito cảm thấy mình không thể nào làm vợ Kawabata, Kaori Kawabata nhận định.

    "Đây là lời giải thích khả dĩ nhất cho sự từ chối đột ngột của Hatsuyo Ito", Sonohiro Mizuhara đến từ quỹ Kawabata nói trong một cuộc phỏng vấn với Japan Real Time. "Với những lá thư này, đây là lần đầu tiên những dấu hiệu của 'điều cấp bách' được hé lộ".

    Sau khi chia tay Kawabata, Ito trở lại nghề phục vụ bàn, kết hôn với một người chủ quán cà phê, tái hôn và sinh con. Bà qua đời tháng 2/1951. Ngày 2/7/1965, trong bài viết trên Asahi Weekly, Kawabata lúc này 66 tuổi, kể lại mối tình bi kịch thời trẻ của ông. "Tôi là chàng trai 20 tuổi, và tôi hứa hôn với một cô gái 14 tuổi. Mọi thứ đột nhiên tan vỡ, và tôi bị nhấn chìm vào vũng sâu. Sau trận động đất Kanto (năm 1923), tôi xới tung những cánh đồng đang cháy ở Tokyo, bởi tôi muốn biết chắc rằng cô ấy an toàn. Nhưng cô gái ấy không bao giờ còn tồn tại trên cuộc đời này nữa".

    Tiểu thuyết gia kết hôn với Hideko năm 32 tuổi và qua đời năm 1972, ở tuổi 73.
     

Chia sẻ trang này