Chúng ta từ đâu đến, chúng ta sẽ đi đâu? Đó không phải là những câu hỏi mới, biết bao nhiêu cái đầu vĩ đại nhiều ngàn năm qua đã cố tìm câu trả lời, từ thuyết sáng thế của nhiều tôn giáo, đến thuyết tiến hóa Darwin, thuyết sự sống khởi đầu từ vũ trụ, có hàng trăm, hàng nghìn cách nhìn, cách nghĩ về thời điểm bắt đầu sự sống, và cuốn sách có tên là “Cội nguồn” này, nó nói về cái gì? Từ trước khi đọc sách mình đã hơi hoài nghi, và sợ là cái tiêu đề và mục đích của cuốn sách quá lớn, sợ ông Dan Brown thổi phồng quá mức nhưng lại không đạt được, không thấu được cái tên và mục đích cuốn sách. Đọc đến nửa cuốn thì mình càng sợ, vì vấn đề ông đưa ra lớn quá, nếu giải quyết không thông thì quá ư bẽ mặt, và quá ư mất thời gian cho hàng ngàn hàng vạn người đọc - dù họ biết đọc cái này dù sao cũng chỉ là truyện hư cấu. Diễn tả thế này, có thể xem chủ đề “cội nguồn, khởi nguyên loài người” của cuốn sách là cái nhân bánh, phần vỏ bánh, phần lá gói có đẹp, có ngon đến đâu đi nữa mà vào cái nhân dở ẹ thì cũng vứt đi thôi, và cái bánh không còn giá trị. Đọc hết cuốn sách, mình có thể nói là phần nhân lần này “ăn được”. Đọc xong, đã có câu trả lời, đã có câu giải đáp, tuy nó không hoàn toàn khác biệt, tuy nó không mới lạ, nhưng nó vẫn đủ hấp dẫn, và nó vẫn còn đủ bí ẩn để tuy biết hết nhưng vẫn như chưa biết gì. Mình chấp nhận cách giải thích, và mình chấp nhận cách ông ấy đặt vấn đề, cũng như khơi gợi vấn đề tiếp theo. Đó là phần quan trọng nhất của cuốn này và là phần quan trọng nhất đối với nhiều người, tức là họ quan tâm đến việc đọc xong có biết thêm gì không, thì mình xin nói ngay là có, có thể nó sẽ thay đổi cái nhìn của bạn, có thể không, nhưng với mình là có, nên đọc cuốn này không vô ích. Về những hoa hòe bên ngoài, có thể tóm tắt là nó theo hoàn toàn cái kiểu đặc trưng Dan Brown từ xưa đến nay. Vẫn có cảnh mở màn người này gặp người kia, cắt cảnh qua Langdon được mời đi tới khu nổi tiếng nào đó. Rồi vô tình dính líu vào 1 vụ án nào đó, cũng có kẻ giết người bí ẩn, cũng có cô gái đẹp, rồi cũng có những màn chạy trốn như phim (tức là đi máy bay, xe hơi, thuyền vv đủ hết). Tuy kiểu viết và cái kịch bản này không mới, nhưng mình thấy nó đủ hấp dẫn và lôi cuốn để lật hết trang này tới trang khác, vẫn có những cái bí ẩn đủ khiến thấy hồi hộp đến mức mắc tè, và vẫn có những đoạn căng thẳng đến mức mình chẳng cần biết khởi nguyên là gì, chỉ cần giải quyết cho xong lúc đó, giải quyết được đi rồi tính. Về phần mạch truyện này ông Dan Brown thành công. Về khía cạnh đi du lịch, lần này chúng ta sẽ đi Spain, Tây Ban Nha, bạn nhớ có tablet hoặc điện thoại để google và xem những kiến trúc rất nổi tiếng của đất nước này, nhất là bảo tàng Guggenheim Museum Bilbao, nơi lưu trữ và trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại, nhà thờ Sagrada Família nổi tiếng của kiến trúc sư Antoni Gaudi và khá nhiêu nơi nổi tiếng khác của Tây Ban Nha. Nói chung xem sách mở mắt ra rất nhiều (Nhờ google Map và Fly over tour ) Phần tủi thân và thấy nhục cho người Việt: - Từ những năm 1880, nước người ta đã làm những công trình chọc trời, những tòa nhà, công viên tồn tại đến bây giờ, vẫn đang đón khách, vẫn đang hoạt động. - Từ những năm 1700, nước người ta đã có kiến trúc sư trưởng, quy hoạch thành phố với tầm nhìn mà đến bây giờ những con phố, những dãy nhà xây từ lúc đó đến nay vẫn hoạt động, và vẫn đủ rộng để xe cộ lưu thông thoải mái, đọc đến đoạn kiến trúc sư của thành phố đã “gọt những căn nhà ở góc đường” để cho quãng trường được thông thoáng hơn, mới thấy người VN mọi như khỉ. - Nói về giáo dục: (theo cuốn này) sinh viên người ta học đại cương về hội họa, học về Picasso, Mori, về những bức tranh nổi tiếng, về những cuốn sách ảnh hưởng nhiều đến loài người, sinh viên thảo luận về chính trị, thảo luận về tôn giáo, học cách tôn trọng nhau khi tranh luận, học cách lắng nghe vv và vv, nhìn lại giáo dục mình thấy còn tệ hơn khỉ. Phần thiếu hợp lý của sách thì mình thấy 1 chỗ, với mình thì thấy rất bất hợp lý, nhưng có thể bạn sẽ không thấy, nên mình không nói Để kết cho phần cảm nhận này, mình xin tạm dịch lại một vài câu trong sách (không ảnh hưởng gì đến cảm nhận của bạn khi đọc sách đâu, yên tâm) “Đừng nhầm lẫn giữa khuôn mẫu (pattern) và mã (code), khuôn mẫu xuất hiện trong tự nhiên, ví dụ nhụy hoa hướng dương xếp theo hình vòng xoáy, tổ ong hình lục giác xếp đều đặn liên tục, ở khắp trái đất này, nói chung ta nhìn đâu cũng có thể thấy khuôn mẫu, vì tự nhiên không thiếu khuôn mẫu. Phần mã thì không như vậy, mã là một cái gì đó chứa thông tin, mã không đơn giản là tuân theo một cái khuôn nào đó, ví dụ ngôn ngữ cũng là một dạng mã, ký hiệu toán học là một dạng mã, hoặc đơn giản như cây thánh giá, chỉ là 1 dấu thập, nhưng nó chứa rất rất nhiều thông tin trong đó. Khác biệt giữa mã và khuôn mẫu là khuôn mẫu thì có thể xuất hiện trong tự nhiên, còn mã thì không tự nhiên mà có, phải có ai đó tạo ra, không có chuyện tự dưng trên cát xuất hiện dòng chữ hoặc số nào đó. Vậy còn DNA thì sao? Nó vừa là một khuôn mẫu, nhưng nó lại là một dạng mã, nó chứa thông tin để sinh ra một thế hệ tiếp theo, vậy ai tạo ra DNA?" Một vài điều mà đọc sách mình mới biết: (Thật ra đọc sách mình mới biết được rất nhiều điều mới, nhưng cái này nói vài điều thôi) - Trên đời có tôn giáo tên là Palmarian: Đạo này cũng thờ chúa Jesus nhưng lại không công nhận Vatican, họ nói họ mới là đạo "Thiên chúa giáo" đúng, họ tuyên bố giáo hoàng của họ mới là giáo hoàng đích thực - Tây Ban Nha là nước quân chủ lập hiến, có vua luôn - Nhà thơ, họa sĩ, nhà làm máy in William Blake (28/11/1757 - 12/08/1827) Có nhiều tiên đoán bằng thơ về tương lai rất là đúng Bài dài quá Tóm lại: Độ hấp dẫn: 4/5 Độ thõa mãn sau khi đọc: 5/5 Có nên đọc không: Nên Cám ơn anh em đã đọc đến đây!
Nguồn Nam Do hội thích truyện trinh thám Review Nguồn cội- Dan Brown #nguồn_cội Nhắc luôn là 14h30 ngày thứ 7 này, 17-3 tại nhà sách Cá Chép phố Nguyễn Thái Học sẽ có lễ ra mắt cuốn Nguồn cội với nhiều chia sẻ và phần quà hấp dẫn. Mọi người nhớ đi giao lưu cho đông vui. Nội dung truyện vẫn xoay quanh giáo sư Robert Langdon, lần này tình cờ bị cuốn vào cuộc chạy đua giải mã công trình về thuyết tiến hóa mà người học trò cũ Edmund Kirsh để lại sau khi bị ám sát. Dan Brown một lần nữa thể hiện cái tài thu hút độc giả bằng những vấn đề gây tranh cãi, lần này tới lượt câu hỏi “Con người xuất phát từ đâu và đi về đâu”. Ngoài ra, Nguồn cội tiếp tục đưa khán giả vào mê cung kiến thức rộng lớn. Từ nghệ thuật hội hoạ, Thi ca lãng mạn thế kỉ XIX, lịch sử chủ nghĩa phát xít Tây Ban Nha, kiến trúc xứ Catalan, nhà thờ Thiên chúa Palmarian... Thêm vào đó là các yếu tố hiện đại như trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội. Không khí đối đầu căng thẳng giữa tôn giáo và khoa học được đẩy lên mức cao nhất so với các tác phẩm trước đó của Dan Brown. Tác phẩm này không có nhiều đột phá so với những cuốn trước nhưng vẫn khá hấp dẫn dễ đọc. Ấn tượng nhất là siêu máy tính máy tính Winston với khả năng tư duy và lập trình siêu hạng đã hỗ trợ Langdon vượt qua nhiều hiểm nguy (hơi ảo tí). Đoạn kết sau một hồi chém gió úp mở dông dài thì hoá ra khám phá của Krish không bất ngờ gây shock như kì vọng. Được cái động cơ của Boss mình thấy khá thú vị, phản ánh nguy cơ tưong lai khi con người bị trí tuệ nhân tạo thôn tính. Nguồn cội vẫn có thể xem như màn tái xuất hoành tráng của Dan Brown - ông hoàng best-seller của văn học trinh thám hiện đại.
Bìa cứng. Nguyên bao. Giá 155k (bìa 250k) NGUỒN CỘI: Cuốn sách xếp thứ 2 trong danh sách những cuốn sách tiêu thụ nhiều nhất lịch sử ngành xuất bản Anh quốc. Nguyên tác: Origin Dan Brown (1964), nhà văn có sức ảnh hưởng nhất năm 2005, xếp thứ 12 trong danh sách "Celebrity 100" của tạp chí Forbes, từng khiến cả thế giới đảo điên vì những tác phẩm: Mật mã Da Vinci, Thiên thần và Ác quỷ, Biểu tượng thất truyền. Những cuộc phiêu lưu trinh thám về giáo sư ký tượng học Robert Langdon tới nay đã bán dược 200 triệu bản ở 56 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Anh chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi ra mắt độc giả, Nguồn cội đã bán được 144.759 bản, xếp thứ 2 trong danh sách những cuốn sách tiêu thụ nhiều nhất lịch sử ngành xuất bản Anh quốc, chỉ sau cuốn Go set a Watchman (2015) với 168,455 nghìn bản. Nguồn cội cũng thống trị ở các mặt trận khác. Nhà xuất bản Transword đơn vị phát hành cho hay: “Sách đứng số 1 vị thế sách điện tử trong cả tuần đầu tiên. Đồng thời, hơn 14 nghìn bản sách audio đã được tiêu thụ trong cùng thời gian đó, một lượng tiêu thụ tuần đầu lớn nhất lịch sử thể loại sách audio”. Sức nóng của Nguồn cội cũng nhanh chóng vượt biên giới nước Anh. Tại thị trường Mỹ, sách ra mắt dịp Giáng sinh và trở thành bá chủ trên mảng điện tử suốt kì nghỉ lễ. Trong khi đó, ở mảng sách in, tác phẩm này cũng đứng thứ nhất tuần đầu ra mắt với 88 nghìn bản được tiêu thụ, theo thông báo của nhà xuất bản DoublesDay. Tại Canada, thống kê của Booknet Canada chỉ ra Nguồn cội chễm chệ thứ 3 trong top 5 cuốn sách bán chạy nhất 2017, dù ra mắt vào tháng cuối cùng của năm. Trong tháng 11/2017, sách xếp thứ 2 về độ bán chạy ở Pháp và Đức, xếp thứ 3 ở Thụy Điển và đứng nhất ở Hà Lan cùng Italia.